Sưng Nướu Răng Có Mủ: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Điều Trị Hiệu Quả
Hầu hết mọi người đều từng bị viêm và sưng nướu răng, nếu ở mức độ nhẹ thì sau một thời gian bệnh sẽ tự khỏi. Nhưng khi bạn gặp phải tình trạng sưng nướu răng có mủ thì tức là các ổ viêm nhiễm đang tiến triển, cần được điều trị nhanh chóng để ngăn chặn biến chứng. Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng viêm lợi có mủ? Làm sao để nhận biết và điều trị lợi sưng có mủ hiệu quả?
Sưng nướu răng có mủ là gì?
Sưng nướu răng có mủ là tình trạng các mô mềm của nướu răng bị nhiễm trùng, hình thành ổ mủ. Trong ổ mủ này thường chứa các mô chết, xác tế bào bạch cầu và vi trùng còn sống. Do vậy kích thước của mô ở chân răng bị tăng lên, hình thành các bọc sưng. Bệnh lý này thường gây đau nhức, khó nhai nuốt, gây nhiều bất tiện trong ăn uống và sinh hoạt hằng ngày.

Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, vi khuẩn gây viêm nhiễm sẽ lan rộng ra, phá hủy các mô xung quanh. Trong thực tế, sưng nướu răng có mủ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Điển hình nhất là:
- Viêm quanh chóp răng: Các dấu hiệu viêm nhiễm sẽ xuất hiện rõ nhất ở đầu chân răng. Vi khuẩn xâm nhập gây viêm, rồi tiến dần vào tủy răng thông qua một lỗ nhỏ. Đây chính là một trong các dạng phổ biến nhất của bệnh áp xe răng.
- Viêm nha chu: Là dạng viêm nhiễm nghiêm trọng, xảy ra dây chằng, xương ổ răng và nướu xung quanh răng. Nếu không điều trị kịp thời, răng sẽ bị lung lay và mất đi kết nối với các phần còn lại trong cấu trúc răng hàm mặt, dẫn tới mất răng.
- Viêm nướu: Đa số các trường hợp sưng nướu răng có mủ thường là do viêm lợi nướu, xảy ra khi có tác động từ bên ngoài, khiến lợi bị xước. Lúc này vi khuẩn tấn công gây viêm, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nhiễm trùng, sinh ra mủ.
Tình trạng sưng nướu răng có mủ có nguy hiểm không?
Như đã nhắc đến ở trên, tình trạng sưng nướu răng có mủ là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nếu không điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển nặng, gây ra biến chứng mất răng hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân. Cụ thể:

- Sức khỏe răng miệng: Viêm nướu răng bị mủ gây đau, vướng, khó nhai, gây mùi khó chịu, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong quá trình ăn uống và sinh hoạt thường ngày. Túi mủ thường dẫn đến tình trạng sưng một bên má, ảnh hưởng tới các tổ chức xung quanh răng. Lâu dần răng sẽ bị lung lay, mất răng, có thể dẫn đến tiêu xương hoặc xô lệch hàm.
- Sức khỏe toàn thân: Vi khuẩn trong ổ viêm không ngừng gia tăng, đến một mức độ nhất định chúng sẽ xâm nhập vào dòng máu. Từ đó gây nguy hại cho hệ tuần hoàn, hô hấp, miễn dịch,…
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Nhận biết kịp thời các dấu hiệu bất thường giúp bạn nhanh chóng tìm được phương hướng điều trị kịp thời. Cách phát hiện tình trạng sưng nướu răng có mủ rất đơn giản, bạn có thể cảm nhận và quan sát bằng mắt thường.
Giai đoạn đầu
Lúc này nướu răng chưa bị tổn thương nghiêm trọng, bạn có thể nhận diện qua các triệu chứng như sau:
- Vùng chân răng bị chảy máu mỗi khi chải răng, dùng chỉ nha khoa hoặc ăn các đồ ăn dai cứng.
- Vùng nướu bị sưng, trở nên đỏ thẫm hoặc thâm tím, không còn màu đỏ hồng hào như bình thường.
- Cảm thấy đau nhức khi dùng tay chạm nhẹ vào vùng nướu bị sưng.
- Cảm thấy đau nhức khi nhai thức ăn, gặp khó khăn khi chuyển động cơ hàm.
- Khoang miệng và hơi thở có mùi hôi, tanh khó chịu dù đã vệ sinh răng kỹ lưỡng.
- Gây nổi hạch ở cổ.
Có thể bạn quan tâm: [Bác Sĩ Tư Vấn]: Viêm Lợi Trùm Răng Khôn Uống Thuốc Gì?

Giai đoạn nặng
Khi bệnh diễn biến đến giai đoạn nặng thì sẽ mất nhiều thời gian điều trị hơn, nếu điều trị sai cách sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Triệu chứng ở giai đoạn này dễ nhận biết hơn nhiều so với giai đoạn đầu, cụ thể như sau:
- Thường xuyên xảy ra tình trạng chảy máu chân răng, dù khi đó bạn không đánh răng hoặc không có tác động từ bên ngoài vào răng.
- Hình thành các túi mủ sưng nề tại vùng nướu, gây cảm giác đau nhức dai dẳng.
- Khi túi mủ hình thành, người bệnh có thể bị mất ngủ, sốt nhẹ hoặc chán ăn.
- Nướu bị tụt, phần bọc chân răng bị tách ra, làm lộ chân răng, khi nhìn vào sẽ có cảm giác răng dài hơn bình thường.
- Các tổ chức xung quanh răng bị phá hủy nghiêm trọng, khiến răng bị lung lay, thậm chí là gãy rụng.
Các triệu chứng trên trở nên nghiêm trọng theo thời gian, vì vậy bạn cần điều trị ngay từ khi có những biểu hiện ban đầu của viêm nướu. Nên tìm đến các địa chỉ nha khoa uy tín để việc chữa trị diễn ra nhanh chóng và đạt hiệu quả cao, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân khiến nướu răng sưng tấy và có mủ
Nướu răng sưng tấy và có mủ cho thất một khu vực nhất định trong khoang miệng đã bị nhiễm trùng. Tình trạng này có thể xảy ra do các nguyên nhân như sau:
Nội dung liên quan: Viêm Nướu Răng Sứ: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

- Vệ sinh răng miệng sai cách: Đánh răng sai cách không loại bỏ được hết thức ăn thừa, tạo điều kiện hình thành mảng bám. Vi khuẩn tồn tại trong mảng bám sinh sôi và phát triển mạnh hơn, gây ra viêm nhiễm.
- Chế độ ăn nhiều đường: Các thực phẩm có hàm lượng đường cao, nhiều chất tạo màu và chất bảo quản tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn chuyển hóa và sinh trưởng. Về lâu dài gây viêm nhiễm, ảnh hưởng tới men răng, làm tăng nguy cơ sâu răng.
- Thay đổi nội tiết tố khi mang thai: Đây là giai đoạn có sự gia tăng bất thường của nội tiết tố Estrogen và Progestin trong cơ thể phụ nữ. Khiến các mao mạch ở nướu phình to ra, huyết dịch ứ trệ, làm tăng tính thẩm thấu của thành mao mạch. Từ đó gây ra bệnh viêm nướu răng, lâu dần dẫn tới hình thành các túi mủ.
- Do mọc răng khôn: Răng khôn thường mọc trong độ tuổi từ 17 – 25 tuổi. Răng khôn mọc ngầm hoặc mọc lệch gây ảnh hưởng tiêu cực tới những chiếc răng khác, gây ra tình trạng xô lệch răng, sưng viêm nướu, một số trường hợp làm hình thành các túi mủ.
- Do các bệnh lý khác: Người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường hoặc các bệnh tự miễn khác thường có nguy cơ mắc bệnh viêm nướu và viêm chân răng có mủ cao hơn.
Điều trị sưng nướu răng có mủ
Trong trường hợp nướu bị sưng nhẹ, bạn có thể tự áp dụng một số phương pháp làm giảm triệu chứng tại nhà. Khi phát hiện nướu bị sưng tấy và có mủ, bạn nên nhanh chóng tới thăm khám tại các cơ sở y tế, không nên tự rạch hoặc loại bỏ túi mủ để tránh nhiễm trùng.
Điều trị tại nhà
Điều trị tại nhà chỉ giúp làm giảm triệu chứng và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, sau đó nếu triệu chứng không thuyên giảm thì bạn cần đến các cơ sở Nha khoa để khám chữa.
Bài đọc thêm: Sưng Nướu Răng Khôn Do Đâu Và Cách Điều Trị Hiệu Quả

Cách thực hiện như sau:
- Làm sạch khoang miệng: Nên dùng nước muối ấm hoặc nước trà xanh để súc miệng. Thực hiện ngày vài lần để làm sạch khoang miệng, tiêu diệt vi khuẩn, làm giảm viêm nhiễm và xoa dịu cơn đau nhức.
- Đắp bã trà túi lọc lên nướu: Sau khi dùng trà túi lọc, bạn có thể sử dụng túi trà để đắp lên vùng nướu răng đang bị sưng. Việc làm này giúp thuyên giảm đáng kể các triệu chứng khó chịu, tuy nhiên lưu ý không nên lạm dụng để tránh phản tác dụng.
- Thoa mật ong vào vùng tổn thương: Mật ong có tác dụng sát khuẩn và làm dịu cảm giác sưng viêm. Lưu ý, bạn nên thực hiện nhẹ nhàng để tránh trầy xước vùng nướu, khiến tình trạng viêm trở nên nguyên trọng hơn.
Điều trị bằng thuốc Tây
Đối với các trường hợp cơ thể không đủ khả năng chống lại sự nhiễm trùng, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành kê toa thuốc kháng sinh. Thuốc thường dùng trong các trường hợp viêm nhiễm cấp tính hoặc viêm nhiễm lan rộng. Mục đích là giúp kháng khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng, loại bỏ các tác nhân gây viêm nhiễm và mưng mủ.
Kháng sinh là thuốc kê đơn, người bệnh chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc về uống. Đặc biệt, trong một số trường hợp sử dụng kháng sinh cũng không điều trị triệt để được tình trạng sưng nướu răng có mủ. Lúc này người bệnh cần được thực hiện các thủ thuật điều trị Nha khoa.
Điều trị nha khoa
Cách tốt nhất để điều trị bệnh sưng nướu có mủ là đến các cơ sở Nha khoa. Bác sĩ sẽ thăm khám và căn cứ vào mức độ tổn thương của răng cùng các mô xung quanh để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Quá trình điều trị có thể chia thành 2 giai đoạn là điều trị sơ khởi và điều trị chuyên sâu.
Bài viết hấp dẫn: Viêm Nướu Hoại Tử Lở Loét Do Nguyên Nhân Nào Và Cách Điều Trị

- Điều trị sơ khởi: Bác sĩ tiến hành loại bỏ các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài và các yếu tố có thể gây khó khăn khi điều trị như: cạo vôi răng, chỉnh sửa hoặc thay thế các miếng trám và phục hình răng không đúng kỹ thuật, cố định các răng bị lung lay,… Trong đó cạo vôi răng thường được chỉ định điều trị trong mọi trường hợp bị sưng nướu và có mủ. Mục đích là loại bỏ nơi cư trú của vi khuẩn, điều trị triệt để hơn, hạn chế tối đa nguy cơ tái viêm.
- Điều trị chuyên sâu: Nếu bệnh nhân có vôi răng ở bên dưới nướu, có thể cần phải bóc tách nướu để loại bỏ chúng. Sau đó, bác sĩ tiến hành nạo sạch túi mủ và đánh bóng mặt gốc răng. Nếu mô nướu bị tổn thương quá nghiêm trọng thì sẽ cần thực hiện ghép vạt nướu hoặc ghép xương ổ răng. Nếu có biến chứng của các bệnh lý về tủy, cần chữa tủy và bọc răng sứ để bảo tồn răng. Nếu tình trạng tổn thương quá nặng, không thể điều trị nữa, cần nhổ bỏ răng và loại bỏ hoàn toàn ổ vi khuẩn.
Chữa sưng nướu răng có mủ ở đâu uy tín?
Điều trị sưng nướu răng có mủ không khó nhưng cần thực hiện đúng kỹ thuật. Bạn có thể đến một số cơ sở nha khoa sau để thực hiện điều trị:
- Viện Nghiên cứu và Ứng Dụng Công nghệ Nha khoa Việt Nam ViDental tại biệt thự số 16, ngõ 168 Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: (+84)987933309.
- Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương tại số 40B trên đường Tràng Thi, Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: (024) 39285172.
- Khoa Răng trực thuộc Bệnh viện Quân y 103, có địa chỉ đặt tại số 261 đường Phùng Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.
- Khoa Răng Hàm Mặt trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, có địa chỉ tại số 78 đường Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM tại số 263-265 đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường Cô Giang, quận 1, TP HCM.
- Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương TP Hồ Chí Minh ở tại số 201A Nguyễn Chí Thanh, thuộc phường 12, quận 5, TP Hồ Chí Minh.
Lưu ý để phòng ngừa sưng nướu răng có mủ hiệu quả
Viêm sưng nướu răng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Bạn chỉ cần thay đổi một số thói quen sinh hoạt để đảm bảo răng miệng khỏe mạnh. Cụ thể như sau:
Xem thêm: Viêm Nướu Răng Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Hiệu Quả

- Luôn vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng chỉ nha khoa, nước súc miệng và đánh răng thường xuyên 2 mỗi ngày bằng kem đánh răng chứa flour.
- Nên làm sạch lưỡi trước khi đánh răng để đảm bảo làm sạch hoàn toàn vi khuẩn trong khoang miệng. Lưu ý thực hiện nhẹ nhàng và đúng kỹ thuật để tránh làm tổn thương lưỡi, ảnh hưởng đến khả năng cảm thụ vị giác.
- Lưu ý chải răng đúng kỹ thuật, Không nên chải răng quá mạnh gây chảy máu và trầy xước lợi,
- Không nên ăn quá nhiều thực phẩm chứa đường, phẩm màu, chất bảo quản, chất kích thích có hại cho men răng.
- Nên thăm khám Nha khoa định kỳ 6 tháng một lần để sớm phát hiện các vấn đề răng miệng.
- Nên súc miệng bằng nước lọc sau khi sử dụng các loại thực phẩm có tính axit cao như nước ngọt, nước cam, nước chanh,… Chờ khoảng 30 phút sau để nước bọt trung hòa men răng rồi mới đánh răng.
Trên đây là thông tin chi tiết về tình trạng sưng nướu răng có mủ. Đây là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nha khoa nguy hiểm, vì vậy bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ Nha khoa để thăm khám và điều trị. Đặc biệt, hãy xây dựng thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để tăng cường sức khỏe, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng.
1000+ Khách hàng hài lòng với nụ cười mới
Tặng gói SPA RĂNG SỨ trị giá 2,5 triệu đồng

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!