Răng Khểnh
Răng khểnh vốn được xem là một nét duyên trên gương mặt cũng như biểu tượng cho vẻ đẹp của người Á Đông. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng lại gây ra khá nhiều phiền phức cho người sở hữu. Bạn đọc có thể tìm hiểu những thông tin cơ bản về loại răng này trong bài viết dưới đây.
Răng khểnh là gì? Thường mọc ở vị trí nào?
Hàm răng của người trưởng thành gồm 32 răng được chia thành 4 nhóm nhỏ: Răng cửa, răng nanh, răng hàm lớn và răng hàm nhỏ. Trong đó, răng khểnh chính là tình trạng răng nanh mọc lệch trên cung hàm.
Cụ thể, thông thường răng nanh sẽ mọc song song với phương thẳng đứng, tuy nhiên đôi khi chúng có xu hướng mọc chếch lên trên và nhô ra phía trước cung hàm. Lúc này chúng sẽ được gọi là răng khểnh với vị trí là răng số 3 trên cung hàm.
Tại nhiều nước Á Đông nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng, những người sở hữu răng khểnh được đánh giá là có duyên và dễ thương. Tuy nhiên nếu như chiếc răng này mọc không đúng vị trí, chúng sẽ là nguyên nhân làm thay đổi khớp cắn và gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng. Trong trường hợp này, việc áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp sẽ là điều vô cùng cần thiết.
Cấu tạo, chức năng cơ bản của răng khểnh?
Để có thể hiểu sâu hơn về loại răng này, các bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm cấu tạo cũng như chức năng của nó.
Về cấu tạo cơ bản
Răng số 3 có cấu tạo tương tự với những chiếc răng khác trên cung hàm với các bộ phận chính gồm men răng, ngà răng, tủy răng. Mỗi bộ phận lại có những đặc điểm riêng cũng như đảm nhiệm một vai trò khác nhau, cụ thể như sau:
- Men răng: Đây chính là phần vỏ cứng bên ngoài bao phủ lấy thân răng, có kết cấu chủ yếu từ chất vô cơ với canxi photphat, một phần nhỏ là nước và chất hữu cơ.
- Ngà răng: Lớp ngà răng có vị trí ngay bên dưới men răng với cấu trúc giống như xương, có màu hơi vàng và chiếm hầu hết khối lượng của răng. Trong ngà răng lại gồm các ống ngà chứa các tế bào sống. Bởi thế chúng vô cùng nhạy cảm đặc biệt là khi men răng tổn thương.
- Tủy răng: Đây được mệnh danh là “trái tim” của răng, có chứa các sợi thần kinh, mạch máu và các mô liên kết. Một chiếc răng sẽ có từ 1 – 4 ống tủy, tuy nhiên riêng răng số 3 chỉ có 1 ống tủy với nhiệm vụ nuôi sống chân răng.
Về cơ bản, răng số 3 được đánh giá là ổn định nhất trên cung hàm. Bởi lẽ chân răng dài và chắc khỏe hơn so với các răng khác nên có thể giữ chắc chắn trong ổ xương răng.
Về chức năng
Trên thực tế, loại răng này không chỉ đảm nhận một mà là rất nhiều các chức năng khác nhau, từ việc ăn nhai, định hình vị trí khớp cắn cũng như đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, cụ thể:
- Răng số 3 có độ vững chắc tốt, có thể chịu được lực mạnh khi nhai nên có nhiệm vụ xé, nhai thức ăn.
- Do nằm ở góc của cung răng, từ đây răng khểnh được coi là nền tảng của cung răng, có nhiệm vụ tạo hình và nâng đỡ cơ mặt.
- Có khả năng định hướng vận động tiếp xúc của hàm dưới nên được xem như là “cọc hướng dẫn” cho khớp cắn.
- Giúp giảm chấn động mạnh tác động lên toàn bộ hàm, góp phần bảo vệ những chiếc răng khác khỏi các nguy cơ tiềm tàng.
- Răng nanh mọc khểnh cũng quyết định rất lớn đến thẩm mỹ của cả khuôn mặt bởi lẽ chúng thường lộ diện khi chúng ta mỉm cười. Cũng bởi yếu tố này mà hình dạng, kích thước và vị trí mọc của nó cũng sẽ quyết định đến hàm răng xấu hay đẹp.
Xem thêm: Răng khôn là gì? Khi nào nên loại bỏ và gợi ý địa chỉ thực hiện uy tín
Sở hữu răng khểnh có nên niềng hay không?
Theo quan niệm của người Á Đông, răng khểnh tạo nên sự duyên dáng cho khuôn mặt, khiến cho nụ cười trở nên ấn tượng và thu hút hơn. Tuy nhiên, nếu chúng mọc ở bên trong hàm hoặc mọc quá cao, điều này sẽ có thể gây mất thẩm mỹ. Bên cạnh đó, các chuyên gia nha khoa cho biết những trường hợp này thường dẫn tới sai khớp cắn, gây khó khăn khi nhai và vệ sinh răng miệng. Từ đây sẽ dẫn tới nhiều vấn đề về răng miệng khác. Trong trường hợp răng số 3 mọc khểnh gây ra những vấn đề trên, việc niềng răng là điều vô cùng cần thiết. Hiện nay, một số phương pháp đang được ứng dụng phổ biến gồm có:
- Niềng răng mắc cài kim loại: Đây là phương pháp niềng răng truyền thống được nhiều người ưa chuộng bởi chi phí thấp, hiệu quả cao. Bạn có thể lựa chọn giữa hai dạng phổ biến là niềng răng mắc cài thường và niềng răng mắc cài tự buộc. Trong đó, niềng răng mắc cài tự buộc sở hữu nhiều ưu điểm hơn như khả năng giảm tối đa lực ma sát và thời gian niềng.
- Niềng răng mắc cài sứ: Phương pháp này khá giống với niềng răng mắc cài kim loại. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ mắc cài sứ được làm từ chất liệu sứ cao cấp, có màu trùng với màu răng nên đảm bảo tính thẩm mỹ cao.
- Niềng răng mắc cài mặt trong: Phương pháp này sử dụng các mắc cài được gắn cố định vào bề mặt trong của răng, vừa có khả năng chỉnh răng và vừa đảm bảo tính thẩm mỹ cho người niềng.
- Niềng răng trong suốt Invisalign: Đây được mệnh danh là phương pháp niềng răng hiện đại nhất hiện nay. Với phương pháp này, bệnh nhân có thể tự tháo lắp khay nhằm dịch chuyển răng từng chút một đến vị trí mong muốn. Do khay Invisalign được chế tác vừa khít ôm lấy từng chiếc răng nên người khác nhìn vào sẽ khó nhận ra bạn đang niềng răng. Không những thế, với Invisalign sẽ không có tình trạng bung mắc cài, không gây tổn thương cho má, nướu và người niềng có thể dễ dàng tháo khay niềng ra để vệ sinh và ăn uống hàng ngày.
- Niềng răng mắc cài Clear Aligner: Tương tự với phương pháp Invisalign, Clear Aligner cũng sử dụng khay trong suốt nên người đối diện gần như không nhận ra bạn đang niềng răng khểnh.
Sau khi tham khảo những phương pháp trên, các bạn nên tới các cơ sở chuyên khoa uy tín để được thăm khám và tư vấn trước khi thực hiện.
Trồng răng khểnh thẩm mỹ nên hay không?
Có thể thấy rằng niềng răng khểnh thường được khuyến cáo áp dụng khi chúng mọc ở bên trong hàm hoặc mọc quá cao gây mất thẩm mỹ. Ngoài ra, nếu răng là nguyên nhân dẫn tới sai khớp cắn, gây khó khăn khi nhai và vệ sinh răng miệng gây ra nhiều vấn đề khi vệ sinh răng miệng, việc chỉnh nha cũng sẽ là điều vô cùng cần thiết.
Cùng với niềng răng, có nên trồng răng khểnh không cũng là thắc mắc của rất nhiều người. Hiện nay, đây đang được coi là một trào lưu thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Bởi lẽ theo quan niệm dân gian, những người sở hữu chiếc răng khểnh thường có vẻ đẹp đáng yêu, thu hút. Đặc biệt, trong nhân tướng học, những người có răng khểnh còn được đánh giá là rất thông minh, có tính cách hòa đồng và dễ thành công trong công việc.
Để trồng răng khểnh, các bác sĩ sẽ thực hiện một số thủ thuật nha khoa nhằm tạo ra chiếc răng giả số 3 bằng chất liệu nhân tạo. Chiếc răng này sẽ được thực hiện hơi chếch lên so với vị trí các răng còn lại trên cung hàm, giúp tạo nét duyên dáng và điểm nhấn cho khuôn mặt bạn. Dưới đây là 4 phương pháp phổ biến nhất mà bạn có thể tham khảo:
- Phương pháp đắp Composite: Đây là cách trồng răng truyền thống, đơn giản nhất và dễ thực hiện nhất. Để thực hiện, các bác sĩ nha khoa sẽ sử dụng một miếng trám Composite dạng dẻo để đắp lên bên ngoài răng. Tùy vào cấu trúc khuôn mặt mỗi người mà bác sĩ sẽ căn chỉnh vật liệu sao cho cân đối cũng như tạo hình dáng răng khểnh phù hợp nhất cho mỗi khách hàng. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là khá an toàn, không gây đau và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, loại răng khểnh Composite thường có tính thẩm mỹ và tuổi thọ thấp.
- Cầu răng sứ: Những người bị mất răng thường được khuyến cáo thực hiện cầu răng sứ 3 thân, giúp mang đến những chiếc răng chắc khỏe, đáp ứng tốt khả năng ăn nhai hàng ngày. Tuy nhiên, ít người biết rằng cầu răng sứ còn có loại 2 thân chuyên được sử dụng để làm ra những chiếc răng khểnh. Khi thực hiện, một thân răng sẽ được sử dụng để chụp lên răng số 2 bên cạnh trong khi thân răng còn lại chính là tạo hình của răng khểnh. Mặc dù phương pháp này có tính thẩm mỹ cao hơn so với đắp Composite. Tuy nhiên, người trồng vẫn có nguy cơ bị viêm nướu, hôi miệng…
- Trồng răng Implant: Đây phương pháp trồng răng mới và tân tiến nhất hiện nay giúp tạo nên răng khểnh giả có cấu tạo y như răng thật. Cấu trúc của nó bao gồm một trụ Titanium, khớp nối Abutment và mão sứ thay thế cho thân răng. Trong trường hợp bạn bị mất răng nanh, các bác sĩ sẽ đặt trực tiếp trụ Titanium vào trong xương hàm. Đến khi trụ tích hợp với xương, bạn sẽ được gắn khớp nối Abutment và mão sứ lên trên để tạo thành chiếc răng khểnh phù hợp với khuôn mặt. Trường hợp bạn còn răng nanh và muốn làm răng khểnh, bạn sẽ cần nhổ bỏ răng nanh sau đó tiến hành trồng răng Implant như bình thường.
- Dán răng sứ siêu mỏng: Với phương pháp này, bạn không cần phải mài răng nhiều lần, tránh gây đau đớn. Đặc biệt, mão sứ siêu mỏng sẽ mang lại vẻ đẹp thanh tú, tự nhiên cho chiếc răng khểnh. Khi bạn cười, người đối diện sẽ có cảm giác y như răng khểnh thật.
Một số lưu ý khi chăm sóc răng cần nhớ
Việc chăm sóc răng khểnh cũng là điều vô cùng quan trọng vì đây chính là nơi tập trung nhiều ánh nhìn nhất mỗi khi bạn nói chuyện hay cười. Đôi khi, chỉ một chút những vết bám bẩn cũng sẽ khiến bạn mất đi sự tự tin và làm kém duyên trên gương mặt. Khi chăm sóc răng, bạn nên lưu ý những vấn đề sau:
- Thay vì đánh răng như thông thường, bạn cần len lỏi bàn chải thật kỹ vào những khe của răng khểnh. Điều này giúp lông bàn chải có thể làm sạch bằng hết những vết bẩn.
- Bạn cũng nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng bởi thức ăn thừa rất dễ bám vào răng khểnh của bạn.
- Từ bỏ các thói quen xấu như dùng răng mở nắp chai, nút thắt dây thừng, mở bao bì thực phẩm, cắn đá…
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm có màu sẫm như trà, cafe rượu vang đỏ, không hút thuốc lá bởi các chất màu, khói thuốc dễ bám lại trên bề mặt răng khểnh khiến chúng bị đổi màu.
Trên đây là những thông tin cơ bản về răng khểnh, giúp các bạn có được cái nhìn tổng quan nhất về loại răng này. Hãy cố gắng chăm sóc răng đúng cách để luôn sở hữu nụ cười rạng ngời, tươi tắn bạn nhé.
Đừng bỏ lỡ:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!